HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Lịch khởi hành

TOUR GHÉP KHỞI HÀNH HÀNG TUẦN

THÔNG TIN BÁN HÀNG

THÔNG TIN VISA HỮU ÍCH

CẨM NANG DU LỊCH QUỐC TẾ

CẨM NANG DU LỊCH

Điểm du lịch yêu thích Quốc tế

Du lịch Hongkong: Điểm du lịch được yêu thích Hongkong

Du lịch Hongkong: Điểm du lịch được yêu thích Hongkong

Mã số: PCDL-QT03

...



Du lịch Hongkong - Điểm đến được yêu thich HỒNG KÔNG
Mã TT: PCDL-QT03

 
1. Thông tin chung:
Hồng Kong tên đầy đủ là Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Theo tên Hán-Việt là Hương Cảng, nghĩa là “Cảng Thơm”, là một trong hai Đặc khu hành chính thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nằm trên bờ biển Đông Nam của Trung Quốc.
Nằm ở phía bắc của Trung Quốc ngay cạnh con sông Thẩm Quyến nổi tiếng với những bài thơ Đường, Hồng Kông gồm có 262 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau trong đó lớn và nổi tiếng nhất là các đảo như: Đảo Hồng Kông, Lạn Đầu, Cửu Long, Tân Giới… Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh 100 năm và được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, nhưng hiện nay vẫn do chính quyền Hồng Kông tự quản lý với những chính sách được coi là tự do và tiến bộ nhất thế giới. Dưới sự quản lý của Anh, kinh tế Hồng Kông phát triển như vũ bão và trở thành một trong những nền kinh tế lớn, hiện đại tầm cỡ thế giới. Điều đó giải thích vì sao Hồng Kông được ví như “Viên ngọc Châu Á” - niềm tự hào của Hồng Kông - Trung Quốc nói riêng và của toàn Châu Á nói chung.
Sở hữu sân bay quốc tế Hồng Kông, sân bay quốc tế lớn và hiện đại thứ 2 thế giới, mỗi ngày đón hàng triệu lượt khách quốc tế, là cửa ngõ để Đông Á vào Đông Nam Á. Bên cạnh đó mạng lưới giao thông phát triển cao với sự góp mặt của cả Nhà nước lẫn tư nhân làm cho chất lượng cũng như số lượng dịch vụ giao thông không thể chê vào đâu được. Là một trong những “thủ đô” ẩm thực của thế giới, Hồng Kông hấp dẫn thực khách với những món ăn phong phú, đa dạng không những về chất lượng và cả số lượng từ Đông - Tây - Kim - Cổ và một điều chắc chắn rằng Hồng Kông sẽ làm hài lòng ngay cả những thực khách khó tính nhất. Một lý do nữa cho những ai có niềm đam mê mua sắm đó chính là Hong Kong được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” - nơi có thể làm thỏa mãn sở thích mua sắm của tất cả các tấng lớp khách hang từ những dòng thời trang bình dân nhất cho đến những hàng cao cấp nhất.
 
2. Lịch sử.
Từ Thời kỳ đồ đá cũ, vùng đất này đã có người sinh sống và đến thời Nhà Tần, nó được sáp nhập lần đầu vào Trung Hoa rồi được Nhà Đường và Nhà Tống sử dụng làm một trạm thương mại và căn cứ hải quân. Theo tài liệu lưu trữ, vào năm 1513, Jorge Álvares - một thủy thủ người Bồ Đào Nha - là người châu Âu đầu tiên đến đây. Mối liên lạc với Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland được thiết lập sau khi Công ty Đông Ấn Anh thành lập một trạm buôn bán ở thành phố Quảng Châu gần đó.
Năm 1839, việc triều đình Nhà Thanh từ chối nhập khẩu nha phiến đã dẫn đến Chiến tranh Nha phiến giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh. Ban đầu đảo Hồng Kông bị các lực lượng Anh chiếm vào năm 1841 và đến cuối cuộc chiến chính thức được nhượng cho Anh theo Hiệp ước Nam Kinh. Anh đã thiết lập một Thuộc địa trực thuộc Anh (Crown Colony) với việc thành lập Thành phố Victoria một năm sau. Năm 1860, sau khi Trung Quốc thất bại trong Chiến tranh Nha phiến thứ 2, Bán đảo Cửu Long (Kowloon) phía Nam Phố Boundary và Đảo Stonecutter đã được nhượng vĩnh viễn cho Vương quốc Anh theo Hiệp định Bắc Kinh. Năm 1898, Nhà Thanh cho Anh thuê các đảo gần đấy và Đảo Lantau với thời hạn 99 năm, từ đó đảo có tên là Tân Giới.
Hồng Kông đã được công bố là một cảng tự do và có vai trò như một trung tâm xuất nhập khẩu (entrepôt) của Đế quốc Anh. Năm 1910, tuyến Đường sắt Cửu Long-Quảng Châu bắt đầu hoạt động với một ga cuối phía Nam ở Tsim Sha Tsui. Người Anh đã áp dụng hệ thống giáo dục Anh vào Hồng Kông. Người Hoa địa phương ít tiếp xúc với cộng đồng tài phán (tai-pan) người châu Âu giàu có định cư gần Victoria Peak.
Ngày 8 tháng 12 năm 1941, Đế quốc Nhật Bản đã xâm lược Hồng Kông như một phần của chiến dịch quân sự trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trận chiến Hồng Kông kết thúc với việc các lực lượng bảo hộ Anh và Canada giao nộp quyền kiểm soát thuộc địa này cho Nhật Bản ngày 25 tháng 12. Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hồng Kông, người dân ở đây đã phải gánh chịu nạn thiếu lương thực do sự áp đặt khẩu phần gây ra và nạn siêu lạm phát do áp đặt tỷ giá của quân đội Nhật. Năm 1945, khi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland tiếp tục kiểm soát thuộc địa này sau thất bại của Nhật Bản trong cuộc chiến, dân số Hồng Kông còn khoảng 600 nghìn so với 1,6 triệu người trước khi Nhật xâm chiếm.
Quân Nhật Bản hành quân dọc theo Queen's Road (Phố Hoàng hậu) sau khi Anh đầu hàng năm 1941.
Dân số Hồng Kông phục hồi nhanh chóng sau chiến tranh, khi một làn sóng dân nhập cư từ đại lục đến để tị nạn khỏi cuộc Nội chiến Trung Quốc đang diễn ra giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch. Với sự thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, nhiều người nhập cư tìm đến Hồng Kông vì sợ sự ngược đãi của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều công ty ở Thượng Hải và Quảng Châu cũng chuyển đến Hồng Kông. Thuộc địa này đã trở thành nơi liên lạc duy nhất giữa Trung Quốc và thế giới phương Tây khi chính quyền mới ở Trung Quốc tăng cường cô lập đất nước khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài. Thương mại với đại lục bị gián đoạn trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên khi Liên Hiệp Quốc đã ra lệnh cấm vận thương mại đối với Trung Quốc.
Ngành dệt và chế tạo đã phát triển với sự trợ giúp của sự tăng trưởng dân số và giá nhân công thấp. Khi Hồng Kông được công nghiệp hóa nhanh, nền kinh tế của Hồng Kông đã được thúc đẩy nhờ xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Mức sống tăng ổn định cùng với sự tăng trưởng công nghiệp. Việc xây dựng Shek Kip Mei Estate năm 1953 đánh dấu sự bắt đầu của chương trình public housing estate (khu chung cư công cộng). Hồng Kông bị phá hoại bởi những hỗn loạn trong các cuộc bạo loạn năm 1967. Những người cánh tả thân cộng sản, với cảm hứng từ cuộc Cách mạng Văn hóa ở đại lục, đã biến một cuộc tranh chấp lao động thành một cuộc nổi dậy bạo động chống lại chính quyền thuộc địa kéo dài cho đến cuối năm.
Được thành lập năm 1974, Ủy ban Độc lập chống Tham nhũng đã làm giảm mạnh mẽ nạn tham nhũng của chính quyền. Khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khởi xướng một công cuộc cải cách kinh tế năm 1978, Hồng Kông đã trở thành một nguồn đầu tư nước ngoài chủ yếu cho đại lục. Một Đặc khu Kinh tế đã được thành lập năm sau ở Thâm Quyến, một thành phố nằm ở ngay phía Bắc của biên giới của đại lục với Hồng Kông. Nền kinh tế của Hồng Kông đã dần thay thế từ ngành dệt may và chế tạo bằng dịch vụ, khi các lĩnh vực tài chính và ngân hàng đã trở nên chiếm ưu thế ngày càng tăng. Sau cuộc Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, chính quyền Hồng Kông đã trải qua 25 năm xử lý vấn đề hồi hương người tị nạn Việt Nam.
Khi thời hạn cho thuê Tân Giới chuẩn bị kết thúc trong hai thập kỷ, chính phủ hai nước Trung Quốc và Anh đã thảo luận vấn đề chủ quyền Hồng Kông vào thập niên 1980. Năm 1984, hai nước đã ký Tuyên bố chung Trung-Anh, đồng ý chuyển chủ quyền Hồng Kông cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997. Tuyên bố này quy định rằng Hồng Kông sẽ được quản lý như một đặc khu hành chính, được giữ lại các luật lệ của mình và một mức độ tự trị cao trong 50 năm sau khi chuyển giao. Do thiếu tin tưởng vào thỏa thuận này, nhiều cư dân của Hồng Kông đã chọn di cư khỏi Hồng Kông, đặc biệt sau Sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Luật Cơ bản của Hồng Kông, có vai trò như một văn bản hiến pháp sau cuộc bàn giao chủ quyền, đã được phê chuẩn năm 1990. Với sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh, Thống đốc Chris Patten đã đưa ra các cải cách về quá trình tự bầu cử vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Việc chuyển giao chủ quyền Hồng Kông đã được thực hiện vào giữa đêm ngày 1 tháng 7 năm 1997, đánh dấu bằng lễ chuyển giao tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hồng Kông. Đổng Kiến Hoa đã nhậm chức Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông đầu tiên.
Nền kinh tế của Hồng Kông đã chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Dịch cúm gia cầm do H5N1 gây ra cũng xuất hiện ở Hồng Kông vào năm đó. Việc thực hiện Airport Core Programme dẫn đến việc khai trương Sân bay Quốc tế Hồng Kông mới năm 1998, sau 6 năm xây dựng. Dự án này là một phần của Chiến lược Phát triển Cảng và Sân bay đầy tham vọng được dự thảo trong thập niên 1980.
Việc bùng phát Hội chứng Viêm đường Hô hấp Cấp (SARS) đã bùng phát tại Hồng Kông nửa đầu năm 2003. Năm đó, một nửa triệu người tham gia vào cuộc tuần hành biểu thị phản đối chính quyền của Đổng Kiến Hoa và đề xuất thi hành Điều 23 Luật Cơ bản, mà trước đó đã nêu lên các quan ngại về sự vi phạm các quyền và sự tự do. Đề xuất này sau đó bị chính quyền Hồng Kông huỷ bỏ. Năm 2005, Đổng Kiến Hoa đệ đơn từ chức Trưởng Đặc khu. Donald Tsang, Ti trưởng Ti Hành chính, đã được chọn làm Trưởng Đặc khu để hoàn thành nốt nhiệm kỳ của Đổng Kiến Hoa.
 
3. Địa lý
Hồng Kông chủ yếu bao gồm Đảo Hồng Kông, Đại Nhĩ Sơn, Bán đảo Cửu Long và Tân Giới. Bán đảo Cửu Long gắn liền với Tân Giới về phía Bắc và Tân Giới nối về phía Bắc và cuối cùng nối với Trung Hoa Đại Lục qua con sông Thâm Quyến. Tổng cộng, Hồng Kông bao gồm một tập hợp 262 hòn đảo ở biển Đông, trong đó Đại Nhĩ Sơn là đảo lớn nhất. Đảo Hồng Kông là đảo lớn thứ hai và đông dân nhất. Áp Lợi Châu là một trong các đảo có mật độ dân số cao nhất thế giới.
Tên gọi "Hồng Kông" (xuất phát từ "Hương Cảng", tiếng Quảng Đông đọc là Hướng Coỏng, có nghĩa là "cảng thơm", lấy từ khu vực ngày nay là Aberdeen nằm trên đảo Hồng Kông, nơi các sản phẩm từ gỗ hương và hương một thời được buôn bán. Vùng nước hẹp tách đảo Hồng Kông và bán đảo Cửu Long là bến cảng Victoria, một trong những hải cảng tự nhiên sâu nhất thế giới.
Dù Hồng Kông nổi tiếng là đô thị hóa cao, lãnh thổ này cũng đã có những nỗ lực tăng cường môi trường cây xanh. Phần lớn lãnh thổ vẫn giữ không phát triển do các khu vực này phần lớn là đồi núi với các sườn dốc. Trong 1104 km² của lãnh thổ, chỉ ít hơn 25% là phát triển. Phần diện tích đất còn lại chủ yếu là không gian cây xanh với khoảng 40% đất được dành cho công viên thôn quê và các khu dự trữ thiên nhiên. Phần lớn sự phát triển đô thị của lãnh thổ hiện hữu ở bán đảo Cửu Long, dọc theo các bờ biển phía Bắc của đảo Hồng Kông và ở khu định cư rải rác khắp Tân Giới.
Bờ biển dài và không thẳng của Hồng Kông đã tạo cho lãnh thổ này nhiều vịnh, sông và bãi biển. Dù lãnh thổ này có mật độ cây xây cao và nằm ven biển, ý thức môi trường vẫn tăng lên khi bầu không khí của Hồng Kông được xếp vào hàng một trong những nơi ô nhiễm nhất. Khoảng 80% khói của thành phố xuất phát từ các vùng khác của đồng bằng Châu Giang.
Hồng Kông cách Ma Cao 60 km về phía Đông, về phía đối diện của Đồng bằng châu thổ Châu Giang và giáp với thành phố đặc khu Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông về phía Bắc. Đỉnh cao nhất của lãnh thổ này là Đại Mạo Sơn, với độ cao 958 m trên mực nước biển. Các vùng đất thấp nằm ở phần Tây Bắc của Tân Giới.
 
4. Khí hậu
Khí hậu Hồng Kông thuộc kiểu cận nhiệt đới và chịu ảnh hưởng của gió mùa. Vào mùa đông khí hậu lạnh hơn và khô từ tháng 12 đến đầu tháng 3 dương lịch và nóng, ẩm và mưa vào mùa xuân đến mùa hè. Vào mùa thu trời nắng và khô. Hồng Kông thường có khí xoáy tụ nhiệt đới vào mùa hè và mùa thu. Hệ sinh thái của Hồng Kông chịu ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu này. Khí hậu của Hồng Kông theo mùa là do các hướng gió thay đổi giữa mùa đông và mùa hè. Về mặt địa chất, Hồng Kông đã ổn định hàng triệu năm nay, dù các vụ lở đất vẫn thường xảy ra, đặc biệt là sau các cơn mưa dông lớn. Hệ động thực vật ở Hồng Kông thay đổi theo sự thay đổi của khí hậu, mực nước biển và ảnh hưởng của con người. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận được ở Hồng Kông là 38°C (98,0°F) còn nhiệt độ thấp nhất ghi nhận được là -4 °C (25,0 °F). Nhiệt độ trung bình trong tháng lạnh nhất là tháng một là 16,1 °C (61,0 °F) còn nhiệt độ trung bình trong tháng nóng nhất là tháng 7 là 28,7 °C (83.7 °F).
Lãnh thổ tọa lạc về phía Nam của hạ chí tuyến tương đương với vĩ độ của Hawaii. Về mùa Đông, các cơn gió mạnh và lạnh thổi từ phía Bắc làm thành phố trở nên lạnh; về mùa hè, hướng gió thay đổi mang theo không khí ẩm và ấm từ phía Tây Nam. Khí hậu lúc này phù hợp với rừng mưa nhiệt đới.
 
5. Giao thông
Hongkong có một mạng lưới phương tiện đi lại tinh vi và hiện đại, bao gồm cả mạng lưới giao thông công cộng lẫn tư nhân. Phương tiện giao thông tại đây vô cùng tiện lợi, bao gồm tàu điện ngầm, tàu thuỷ và bus bao phủ toàn thành phố. Chính vì vậy, hàng ngày có tới 90% dân số sử dụng các phương tiện công cộng, cũng là tỉ lệ cao nhất trên thế giới. Trên đảo Hồng Kông, bạn còn có thể sử dụng mạng lưới tàu điện cổ vẫn còn rất tiện nghi để dễ dàng thăm thú cảnh quan thành phố. Đừng nghĩ tới việc thuê xe tự lái. Ngoài chi phí thuê xe, xăng dầu và vé cầu đường cao rất cao, tắc đường rất thường xuyên xảy ra trong các khu trung tâm. Hongkong chính là thiên đường của các phương tiện công cộng.
 
Octopus Card là loại thẻ trả tiền trước được sử dụng trên hầu hết các loại phương tiện giao thông công cộng ở Hồng Kông, thậm chí còn mua hàng được ở một số cửa hàng thường gặp ở các ga tàu điện.
Thẻ Octopus được bán ở các quầy vé hay quầy thông tin ở các ga tàu điện ngầm. Hệ thống thanh toán bằng thẻ thông minh Octopus card có thể được sử dụng để trả cước phí đi lại cho hầu như tất cả các tuyến đường sắt, xe buýt và phà ở Hồng Kông. Thẻ Octopus sử dụng công nghệ RFID (Nhận dạng bằng tần số radio) cho phép người sử dụng có thể quét thẻ mà không cần lấy nó ra khỏi ví hoặc túi xách. Tất cả những bãi đậu xe có đồng hồ đếm giờ ở Hồng Kông chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ Octopus và việc thanh toán bằng thẻ Octupus có thể thực hiện ở nhiều bãi đỗ xe. Khi đến du lịch Hồng Kông, bạn nên mua loại thẻ này để thuận tiện cho việc đi lại.
Thẻ đi lại ở Hồng Kông có nam châm như thẻ nhà băng nên để thẻ trong ví/túi ngoài của túi xách là quẹt được vào máy mà không cần lấy thẻ ra. Xuống ga tàu điện ngầm hay đi phà bạn sẽ đi vào qua các "cửa" , ở đó có bộ phận để quẹt Octopus Card. Nếu đi tàu điện ngầm thì sau lúc ra khỏi bến tàu điện để lên phố thì quẹt thẻ ở cửa ra lần nữa, tùy theo chặng dài ngắn mà trả tiền. Khi ra khỏi bến tàu điện ngầm nên để ý bảng thông tin ở tường dọc lối đi hoặc hỏi đường, để biết muốn đến phố nào hoặc điểm thăm quan nào thì nên ra cửa nào (A, B, C, D... hoặc A1, A2, B1, B2 ..). Mạng lưới tàu điện ngầm ở Hồng Kông rất rõ ràng và hợp lý, số lượng tuyến tàu không nhiều nên đi một lần là bạn sẽ nắm được cách đi lại ngay mà không gặp rắc rối gì.
Lên xe buýt cũng vậy, vị trí quẹt thẻ ở cạnh chỗ tài xế. Lúc lên xe buýt, tùy thuộc bạn lên buýt ở bến nào mà trả tiền vé. Riêng loại xe buýt minibuses xanh – là loại xe buýt nhỏ chở được khoảng 16 người hoạt động trên các tuyến đường cụ thể thì có giá cố định và phải trả tiền từ khi lên xe. Còn loại xe buýt minibuses đỏ lại hoạt động không theo lịch trình. Đi minibuses khá phức tạp nên bạn chỉ nên đi minibuses nếu bạn nói được tiếng Quảng Đông hay bạn đã quen thuộc với đường phố Hồng Kông còn không thì không nên sử dụng.
 
* Các phương tiện giao thông ở Hồng Kông
- Sân bay quốc tế Chep Lap Kok
Đây là một trong những sân bay đẹp nhất, rộng nhất và hiện đại nhất trên toàn thế giới, cách trung tâm thành phố khoảng 38 km. Bạn có thể đi từ sân bay vào thành phố bằng những phương tiện sau:
- Train (Tàu): rất nhanh và thuận tiện. Tàu Airport Express có 3 trạm dừng: Tsing Yi, West Kowloon và Central. Có thể bắt tàu từ Ground Transportation Centre gần lối ra. Đi đến Đảo Hongkong mất 180 HKD, và Kowloon 160 HKD.
- Taxis : đắt tiền và không được nhanh do thường xuyên tắc đường. Nếu muốn đón taxis bạn cần tìm xe có nóc màu xanh để đến Kowloon (Cửu Long) và New Territories (Tân Giới), nóc màu đỏ để đến Đảo Hongkong và màu xanh da trời cho đảo Lantau. Chi phí khoảng 380 HKD để đi vào trung tâm thành phố.
- Bus : là phương tiện hợp túi tiền và thuận tiện nhất để đi vào trung tâm thành phố. Bạn có thể đón Airbus từ Ground Transportation Centre, với những xe có kí hiệu bắt đầu bằng chữ A (xe bus đêm có kí hiệu bắt đầu bằng “N”). Ngoài ra còn có biển thông báo những xe bus nào sẽ đưa tới những khách sạn nào. Chi phí giao động từ 17 – 45 HKD một chiều, tuỳ theo điểm mà bạn muốn đến
- Hệ thống phương tiện giao thông công cộng
- Tram (tàu điện): Hệ thống tàu điện hai tầng bao phủ khắp Bắc đảo Hongkong, thuận tiện để đi lại giữa Bắc Kennedy Town và Tây Shau Kei Wan.
-  Metro (tàu điện ngầm): tiện lợi và rẻ cho tuyến Hongkong - Đại Lục, cụ thể từ Hung Hom ở KowLoon tới biên giới Trung Quốc tại Lo Wu. Có hai hệ thống Metro: MTR và KCR, trong đó MTR có thể đưa bạn đến khu vui chơi Disney Land nổi tiếng.
-  Bus : đi lại trong phía Nam đảo Hongkong như Stanley , Shek' O, bus là lựa chọn hợp lý nhất. Nếu đang ở khu Central, bạn có thể tìm thấy trạm Bus ngay tại Exchange Square . Hãy chuẩn bị một ít tiền lẻ để mua vé, khoảng từ 3 – 30 HKD.
-  Ferries (tàu thuỷ): Ferry lướt trên khắp con nước quanh Hongkong. Tàu nổi tiếng nhất là Star Ferry, chạy giữa Central và Tsim Sha Tsui, chỉ với giá 2.2 HKD. Ngoài ra bạn còn có thể sử dụng tàu thuỷ nếu muốn đi lại giữa các khu Kowloon , Hongkong và cả những đảo nhỏ xung quanh. Hãy bắt tàu từ bến “ Outlying Islands ” tại khu Central của công ty tàu thuỷ Hongkong.
-  Peak Tram : một loại tàu điện cổ có từ năm 1888, có thể đưa bạn tới những điểm tham quan trên đồi, dốc. Muốn tới thăm đỉnh Victoria nổi tiếng, PeakTram chính là phương tiện vận chuyển mà bạn cần.
-  Taxis : ngoài giờ cao điểm, bạn có thể dễ dàng tìm thấy taxis ở bất cứ đâu. Đi lại bằng taxis tuy dễ dàng và thuận tiện nhưng chí phí rất cao, ngoài ra bạn sẽ là người trả phí cầu đường (thậm chí phải trả gấp đôi để tài xế quay lại).


6) Những điểm tham quan hấp dẫn
Không có được những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, không có những bờ cát trắng trải dài nhưng mỗi năm có hàng triệu khách du lịch vẫn đến đây: Mua sắm, ẩm thực và…tham quan. Không hổ danh là “Rồng Châu Á” Hồng Kông có những địa điểm du lịch hấp dẫn không chỉ khách quốc tế mà ngay cả người dân địa phương cũng bị mê hoặc dù đã từng sống ở đó nhiều năm. Nào là đi thuyền trên vịnh Victoria, Thăm đại lộ các ngôi sao, Bảo tàng sáp hay ngắm hoàng hôn trên đỉnh núi Thái Bình… và rất nhiều khu di tích, quảng trường; chắc chắn sẽ không làm du khách thất vọng về chuyến du lịch mở mang tầm mắt.
 
Núi Thái Bình
Đảo Hồng Kông là nơi tập trung nhiều danh lam thắng cảnh nhất. Bạn có muốn thăm nơi có giá đất đắt nhất thế giới? Đó chính là ngọn núi Thái Bình cao 552 m nằm giữa đảo Hồng Kông và Cửu Long. Nơi đây bạn có thể thấy toàn cảnh Hồng Kông, vịnh Victoria… Về đêm khi đường phố lên đèn không đâu nhìn Hồng Kông rõ và đẹp như nơi này, hoa lệ, lung linh và huyền ảo là những từ ngữ diễn tả cảm xúc khi đứng ở nơi đây ngắm xuống đường phố Hồng Kông đủ loại đèn điện, đèn màu, đủ ánh sáng…
 
Vịnh nước cạn Repulse
Vịnh Nước Cạn Repulse Bay cũng là một trong những địa điểm “phải đi” trong chuyến du lịch này. Đây chính là trung tâm du lịch Hồng Kông tập trung nhiều nhà hàng khách sạn, quán cà phê với đủ loại phong cách hương vị ra đời từ những năm đầu thế kỷ XX. Bên dưới là những dải cát vàng óng ánh, bên cạnh là ngôi đền Kwum Yum với những thiết kế cổ kính, xa xa là những dãy núi chập trùng đan xen với những tòa nhà cao tầng chắc chắn sẽ cho du khách cái đầy đủ hơn về ” con rồng Châu Á” này.
 
Dinh toàn quyền
Một địa điểm có lẽ không thể thiếu trong chuyến du lịch Hồng Kông đó chính là Dinh Toàn Quyền nơi mà bạn có thể khám phá lịch sử Hồng Kông qua các thời kỳ, văn hóa Hồng Kông và bao nhiêu thăng trầm cũng như niềm tự hào của Hồng Kông đều được trưng bày ở nơi đây. Đặc biệt đây cũng chính là nơi diễn ra nghi lễ trao trả Hồng Kông cho trung Quốc sau 100 năm kiểm soát của Anh. Muốn biết lịch sử, con người Hồng Kông, muốn biết Hồng Kông phát triển như thế nào thì hãy đến Dinh Toàn Quyền.
 
Đại lộ các ngôi sao
Nếu là người yêu thích hoặc quan tâm lĩnh vực điện ảnh bạn chắc chắn sẽ muốn tới thăm Đại lộ các ngôi sao dọc theo cảng Victoria. Được làm theo khuôn mẫu Đại lô danh vọng của Holywood, Đại lộ các ngôi sao Hong Kong tôn vinh những ngôi sao đã làm rạng danh đặc biệt trong nghành điện ảnh nước này.Và thấy được phần nào quá trình phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông qua các mô hình được đúc bằng đồng. Bạn cũng có thể chụp hình với bức tượng đồng Lý Tiểu Long, với những tên tuổi được vinh danh và dấu bàn tay của họ.
 
Công viên Hải Dương
Có một nơi rất tuyệt vời cho những ai yêu thích biển, yêu thích sinh vật biển đó chính là Công viên Hải Dương lớn nhất thế giới nằm trên bán đảo Hồng Kông. Với diện tích 170 dặm, gồm có nhà hát Đại Dương, Bể cá mập, Vườn đại dương với hơn 400 loài sinh vật biển từ các vùng đảo thuộc Thái Bình Dương và từ biển Nam Trung Quốc… tha hồ bơi lặn khám phá đại dương đầy màu sắc nhé. Ngoài ra bạn cũng được chiêm ngưỡng cặp đôi gấu trúc Panda quý hiếm, những màn biểu diễn kỹ thuật của các chú cá heo… Vé trọn gói cho người lớn vào khoảng 208 HKD (tương đương 17 USD).
 
Bảo tàng Sáp
Đừng quên ghé thăm bảo tàng sáp Madame Tussauds mở cửa đón khách vào tất cả các ngày trong tuần. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bức tượng sáp của những nhân vật nổi tiếng và quyền lực trên thế giới như gia đình nữ hoàng Anh, các tổng thống Mỹ, các ngôi sao ca nhạc…sống động và chân thực y như thật. Bạn có thể chụp hình với bất cứ ai bạn thích, biết đâu trong đó lại có cả thần tượng của bạn và còn gì vui hơn nếu mang bức hình đó về và treo trong phòng ngủ của bạn!
 
Disneyland
Nhưng có lẽ điểm nhấn của du lịch ở Hồng Kông lại thuộc về Công viên giải trí Disneyland. Là một công viên nổi tiếng thế giới nằm trên đảo Lạn Đầu mỗi ngày thu hút hàng chục ngàn du khách cả người lớn và trẻ em. Được xây dựng quy mô bao gồm: Quảng trường Thời Đại, Khu giải trí kỹ thuật cao… và gần 200 điểm vui chơi. Công viên còn có các mô hình thu nhỏ của các kỳ quan thế giới như: Kim Tự Tháp, Vườn Treo Babilon, Tháp nghiêng Pissa… Ngoài ra du khách còn được đắm mình trong thế giới phim hoạt hình, được hóa thân vào các nhân vật như chuột Mickey, vịt Donald, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn… được tham gia các trò chơi cảm giác mạnh, được chiêm ngưỡng những màn bắn pháo hoa đẹp mắt; rồi rất nhiều trò chơi khác nữa đang chào đón các bạn. Vé vào cổng của người lơn khoảng 520 HKD (tương đương 65 USD) trẻ em dưới 3 tuổi được miễn phí.
 
Phim trường TVB
Sẽ là thiếu sót rất lớn trong chuyến du lịch của bạn nếu không ghé thăm phim trường TVB - một trong những lý do giải thích cho sự thành công và nổi tiếng của điện ảnh Hồng Kông. Phim trường TVB (hay còn gọi là TVB city) là một quần thể rộng tới 110.000 m2 và là một trong những phim trường lớn và hiện đại bậc nhất Châu Á. Bước chân vào nơi đây bạn như có cảm giác được bước vào thế giới cổ trang trong những bộ phim về thời phong kiến Trung Quốc. Những ngôi nhà lá vách đất, những khu buôn bán của người Hoa xưa kia, những “dân đen” với trang phục truyền thống xa xưa… Tất cả chỉ phục vụ cho việc làm phim và điều đó giải thích vì sao hàng năm Hồng Kông cho xuất xưởng hàng ngàn những bộ phim ăn khách.
 
Đền Wong Tai Sin
Wong Tai Sin - ngôi đền nổi tiếng linh thiêng nhất không chỉ ở Hồng Kông mà ngay cả những người ở Trung Quốc đại lục cũng thường xuyên sang đây để cúng bái. Được xây dựng từ năm 1921 theo truyền thuyết là một vị hòa thượng tên là Wong Tai Sin đã tu hành chính quả nơi đây và từ đó lấy tên của vị hòa thượng này.Với thiết kế theo phong cách truyền thống đặc trưng của văn hóa phương Đông với màu vàng và màu đỏ lả chủ đạo tạo nên một ánh hào quang rực rỡ khi du khách bước chân vào.
 
Kowloon Walled City Park
Cũng không kém phần nổi tiếng cả về kiến trúc lẫn bề dày lịch sử so với đến Wong Tai Sin, Kowloon Walled City Park là một công viên khổng lồ mang đậm dấu ấn lịch sử của đảo Cửu Long với bức tường bằng đá Granrit vô cùng lớn. Bên cạnh đó cũng có nhiều cảnh quan thiên nhiên thể hiện văn hóa cũng như bản sắc của người Hồng Kông. Đây là một trong những nơi còn lưu giữ những nét văn hóa đậm chất người Hồng Kông từ thời lập quốc.
 
Cầu Thanh Mã
Bất ngờ, ngưỡng mộ và một chút ghanh tỵ là cảm giác của khách du lịch khi tới thăm cây cầu đẹp nhất Châu Á và lớn thứ 7 trên thế giới. Chiếc cầu được xây dựng năm 1997 nối liền hai hòn đảo quan trọng của Hồng Kông là Tsing Yi và Ma Wan gồm có cả đường sắt và đường bộ. Buổi tối anh đèn đường chiếu xuống dòng sông kết hợp với đèn màu của các nhà hàng, quán cà phê ven hai bên sông tạo nên một thứ ánh sáng lung linh lạ thường.
 
7) Những điểm mua sắm hấp dẫn ở Hồng Kông
Hồng Kông từ lâu đã được xem là “thiên đường mua sắm” ở Châu Á. Đa số các mặt hàng trên đất nước này (ngoại trừ rượu, thuốc lá và nước hoa) đều không hề bị đánh thuế. Vì vậy khi du lịch Hồng Kông, bạn nên kết hợp việc mua sắm những món hàng mình yêu thích. Bạn sẽ rất thích thú và hài lòng với những thứ mà mình tìm được.
Các khu mua sắm ở đặc khu Hồng Kông tập trung chủ yếu tại đảo Hồng Kông và bán đảo Cửu Long (Kowloon). Những khu mua sắm cao tầng sang trọng luôn nằm xen lẫn với các khu phố bán đồ bình dân với giá cả rất phải chăng
 
Đảo Hồng Kông:
Nếu shopping trên đảo Hồng Kông, tốt nhất hãy ghé khu Causeway Bay nơi có hai khu thương mại khá lớn là Sogo và Mitsukoshi nằm đối diện nhau trên đường Hennessy (trạm MTR Causeway Bay). Nhưng đừng tập trung ở những khu này, hãy đi bộ qua những con phố vòng quanh khu Causeway Bay.
- Khu shopping 8 tầng lầu nằm ở số 1 Matheson Street Causeway Bay: là một địa điểm ưa thích của khách du lịch. Shopping một hồi nếu cảm thấy mệt hay đói bụng bạn cũng có thể sử dụng những dịch vụ tuyệt vời nơi đây như quán cà phê, quán Bar, nhà hàng và cả một khu rộng lớn cung cấp dịch vụ spa.
- The Landmark: Nhắc đến thời trang Hồng Kông người ta thường nghĩ ngay đến Trung tâm mua sắm The Landmark – một trong mười thiên đường mua sắm lớn nhất thế giới. Nơi đây tập trung toàn những thương hiệu thời trang nổi tiếng như Harvey Nichols, D&G, Gianfranco Ferre…
- Khu Jardine’s Bazaar và Jardine’s Crescent: Trên đường đi sang quảng trường Thời Đại (Times Square), đừng quên ghé ngang khu Jardine’s Bazaar và Jardine’s Crescent là khu chợ với những dãy ki-ốt san sát khiến cho bạn hoa mắt với những mẫu mã quần áo và đồ thời trang độc đáo lại có giá khá rẻ.
- Khu Times Square: trong khu Times Square 8 tầng lầu, bạn có thể tìm thấy tất cả (nên nhớ là tất cả) các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng mà bạn có thể nêu tên hoặc thậm chí chưa biết tới bao giờ. Tất nhiên mua hàng hiệu đồng nghĩa với việc ta phải có trong bóp vài chiếc thẻ nhựa (Visa, MasterCard, AMEX) hoặc nếu không thì cũng phải kha khá tiền mặt (1 đô la Mỹ bằng khoảng 7,8 đến 8 đô la Hong Kong).
- Phố Lee Garden: nằm ngay kế bên những những khu trung tâm thương mại lớn trên là con phố Lee Garden với vài chục cửa hàng “Factory Outlet” - chuyên bán đồ đã hết mốt hoặc qua mùa của các hãng thời trang với giá giảm từ 30 - 70%.
Tại khu Causeway Bay này cũng khá dễ dàng để tìm một tiệm bán đồ điện tử với đa dạng sản phẩm từ máy ảnh kỹ thuật số, máy quay camera, đầu đĩa, dàn máy. Mua laptop tuy nhiên bạn nên tham khảo giá ở khu Windsor House Computer Mall trước khi quyết định mua món hàng đó.
Hai dịp giảm giá lớn tại tất cả các khu thương mại vào tháng 5 và tháng 12 hàng năm.
 
Bán Đảo Cửu Long (Kowloon)
- Phố Nathan: Con phố dài Nathan nằm trên bán đảo Cửu Long thường nơi đây cũng bán rất nhiều mặt hàng nhưng chủ yếu vẫn là những mặt hàng truyền thống của dân tộc Trung Hoa như những bức tượng Phật Di Lặc, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Đây cũng là nơi tốt  nhất bạn mua các mặt hàng làm quà lưu niệm như hàng gốm sứ Giang Tây, các loại thuốc bổ…
- Harbour City: khu tổng thể shopping Harbour City chắc chắn sẽ làm bạn lạc đường vì một quần thể shopping phức tạp nối liền 2 khách sạn và 4 toà nhà văn phòng. Các cửa hàng ở đây cũng khá phong phú cả về nhãn hiệu và giá cả, bạn có thể tìm thấy Hugo Boss, Diesel, Nine West, Prada cho tới Espirit, G2000, Giordano…
- Khu chợ Chùa - Temple Market (trạm MTR Jordan): tấp nập từ khoảng 7h tối đến 11h đêm. Temple Market với hàng trăm sạp thời trang lớn nhỏ, đầy đủ chủng loại, nhãn hiệu từ thời trang may mặc cho đến các sản phẩm điện tử. Giá ở đây nói chung là rất rẻ và rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại mà mua ở trong các cửa hàng ngoài phố hay ở trung tâm thương mại. Vì vậy nếu không quá kén đồ thì mua ở đây bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền. Ở đây cũng có rất nhiều quán ăn khuya.
- Khu Mongkok (trạm MTR Mongkok): cũng như Temple Market, Khu Mongkok luôn đông vui nhộn nhịp từ sau 6h chiều, bên cạnh đó còn có rất nhiều cửa hàng thể thao với giá vô cùng hữu nghị.
 
7, Ẩm thực ở Hồng Kông
Ẩm thực Trung Hoa nổi tiếng từ bao đời với những món ăn cung đình đầy màu sắc và chất dinh dưỡng, ẩm thực phương Tây phong phú mới lạ và đầy quyến rũ tất cả đều hội tụ, hòa quyện với nhau tạo nên một “thủ ẩm thực” - Hồng Kông. Chỉ có vẻn vẹn chừng hơn 6 triệu dân nhưng Hồng Kông có tới 12.000 nhà hàng và hàng vạn những quán ăn nhỏ ngoài vỉa hè và sâu hút trong những con hẻm quanh co. Một dãy phố san sát những nhà hàng quán ăn sang trọng, sa hoa cho những khách du lịch nhiều tiền, dãy sau lưng lại có những quán ăn nhỏ đủ loại Tây, Tàu cho những du khách ít tiền hơn. Một bên toàn những nhà hàng thức ăn nhanh như: Mc Dolnal, KFC…, bên kia đường là những nhà hàng được thiết kế như cung đình với những rổ Dimsum bốc khói nghi ngút, khách hàng ngồi thưởng thức với một tâm trạng thư thái thảnh thơi trong điệu nhạc du dương bên tách trà cũng nghi ngút khói cộng với sự phục vụ ân cần của những cô gái Trung Hoa mặc sườn xám duyên dáng. Các món ăn ở Hồng Kông rất bổ dưỡng nếu có điều kiện bạn đừng quên thưởng thức các món như : tổ yến, bào ngư, vi cá… Nếu có cơ hội tới Hồng Kông hãy một lần trải nghiệm với văn hóa ẩm thực nơi đây, chắc chắn bạn sẽ ước ao được có thêm một lần nữa.
 
Dimsum
Dimsum là những món ăn truyền thống lâu đời của người Trung Quốc, có tổng cộng trên dưới 100 món khác nhau được chế biến chủ yếu từ nguyên liệu bột gạo, bột mì… và các loại nhân thịt, nhân hải sản được hấp bằng những rổ tre như : há cảo, xíu mại, bánh bao xá xíu, bánh hẹ, có những món chiên như: bánh khoai môn chiên giòn, bánh cảo cá hồi chiên… Đa phần các món Dimsum ăn kèm với tương ớt và một loại sốt chua ngọt gọi là “seafood sauce”. Ngày nay Dimsum đã nổi tiếng khắp thế giới và trở thành một món ăn tượng trưng cho ẩm thực Trung Hoa cũng như Phở của Việt Nam vậy.
 
Bào ngư, vi cá, tổ yến
Bên cạnh Dimsum, ẩm thực Trung Hoa còn nổi tiếng với những món ăn bổ dưỡng ngày trước thường chỉ để cho các vị hoàng đế dùng như: bào ngư, vi cá mập, tổ yến. Nhắc tới món ăn bổ dưỡng không thể không nhắc tới món “Phật nhảy tường” - tinh túy của đất trời: bỏ tất cả những thứ bổ dưỡng nhất như Bào ngư, Vi cá mập, tổ yến, gà ác, nhân sâm…vào một hũ đậy nắp hầm trong 8 tiếng mở nắp ra và… không có từ ngữ nào có thể diễn tả cảm giác đó.
Ngoài ra Bào ngư có thể hầm với gia vị hoặc nấu cháo cũng rất ngon, vi cá thì nấu súp, yến thì có thể nấu được nhiều món hơn là súp yến hoặc chè yến; món nào cũng rất thơm ngon và đầy dinh dưỡng.
 
Sau đây là địa chỉ của một số nhà hàng “có tiếng” ở Hồng Kông du khách có thể ghé thăm và thưởng thức những món ăn “rất Hồng Kông” với nhiều mức giá khác nhau cao cấp có, trung bình có và giá rẻ hơn cũng có.
 
Đảo Hồng Kông
Nếu Hồng Kông được gọi là “thủ đô ẩm thực” thì đảo Hồng Kông chính là trung tâm của “thủ đô” ấy. Nếu bạn muốn khám phá ẩm thực của nhiều nước trên thế giới thì đảo Hồng Kông chính là một lựa chọn không thể hợp lý hơn. Với hệ thống những khách sạn, nhà hàng sang trọng bán đủ các loại thức ăn Âu, Á, Phi, Mỹ…
 
Nhà hàng Cococabana. Địa chỉ: Upper G/F, Beach Building, Deep Water Bay, Island Road.
Tọa lạc tại ngay bên bờ vịnh Victory, được thiết kế với không gian mở ngồi trong nhà hàng nhưng vẫn nghe tiếng sóng biển rì rào, vẫn được thưởng thức những mùi vị của biển cả tựa như bạn đang ngồi giữa đại dương bao la và thưởng thức những món hải sản tươi ngon do những đầu bếp hàng đầu Hồng Kông chế biến. Giá trung bình cho một phần ăn vào khoảng 200 HKD (khoảng 25 USD)
 
Nhà hàng nổi Jumbo
Nhiều người vẫn nói rằng “chưa ăn ở nhà hàng nổi Jumbo là chưa tới Hồng Kông”. Ra đời vào năm 1976 , nơi này từng đón hàng triệu lượt khách trong đó có nữ hoàng Elizabeth II và nhiều ngôi sao ca nhạc cũng như điện ảnh nổi tiếng thế giới. Nằm trên những còn tàu bồng bềnh ở giữa eo biển quý khách tới cảng Aberdeen đi thuyền nhỏ chừng 10 phút là tới được Jumbo - một trong những trung tâm ẩm thực lớn nhất châu Á. Ở Đây chủ yếu bán các món ăn truyền thống của Trung Hoa như: Dimsum, lẩu, các món hải sản…và đặc biệt là món vịt quay Bắc Kinh không đâu sánh bằng.
 
Chợ Jardine’s Bazaar
Chợ Jardine’s Bazaar nằm ngay sau khu Causeway Bay là một thiên đường ẩm thực cho những ai yêu thích ẩm thực với hàng chục quầy hàng và những quán ăn nhỏ phục vụ đủ các món từ cháo cho đến các món lẩu… từ sáng sớm cho tới tối khuya. Giá ở đây cũng khá bình dân ăn một bữa no khoảng 25 HKD (tương đương khoảng 50 ngàn đồng)
 
Đảo Cửu Long
Bạn muốn thưởng thức những bữa tiệc ở những nhà hàng mà ban ngày thì lồng lộng nắng và gió còn ban đêm thì lung linh đầy trăng với sao? Hãy đến đảo Cửu Long!
 
Nhà hàng Oyster and Wine Bar. Địa chỉ: 20 Nathan Road Cửu Long
Được thiết kế với một khung cảnh thiên về thiên nhiên lãng mạn nhìn ra vịnh Victory, xa xa là những bãi cỏ xanh gió thổi vào đem theo mùi cỏ xen lẫn với mùi rượu vang rất phù hợp cho những dịp đi tuần trăng mật hay đi cùng người yêu. Giá trung bình cho một người khoảng 200 HKD (khoảng 25 USD)
 
Best Noodle Restaurant. Địa chỉ: 105 Austin Rd., Jordan, Kowloon, Hong Kong
Một nhà hàng nhỏ nơi bán nhiều thức ăn ưa thích của người Thượng Hải đặc biệt là loại mì xá xíu. Ở đây người ta không coi trọng cách trang trí quán mà chỉ chú trọng đến chất lượng của các món ăn. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy một số khách quen thường đứng để ăn vì quán lúc nào cũng chật cứng nhất là những ngày cuối tuần. Giá cả ở đây khá bình dân khoảng 2 - 3 USD cho một món ăn cho nên bạn có thể thưởng thức thoải mái các món ăn nơi đây.
 
Tân Giới
So với đảo Hồng Kông, Cửu Long thì các nhà hàng quán ăn ở Tân Giới bán đồ ăn rẻ hơn, mang đậm hương vị của Trung Hoa hơn. Bởi ở đây các quán ăn phục vụ chủ yếu cho khách địa phương. Giá cả tương đối dễ chịu vào khoảng 1 - 2 USD cho một món ăn. Bạn tha hồ ăn uống thỏa thích nhé. Bên cạnh đó ở đây bạn cũng rất dễ dàng tìm thấy được những nhà hàng, khách sạn cao cấp khác.
 
Đảo Lạn Đầu
Cũng như Tân Giới, khách du lịch tìm đến Lạn Đầu với mong muốn được thưởng thức văn hóa ẩm thực giá rẻ. Với đủ loại món ăn từ Quảng Châu, Phúc Kiến hay những đồ ăn đầy gia vị của Tứ xuyên…thực đơn phong phú cả về món ăn lẫn ngôn ngữ, trên thực đơn bạn đừng ngạc nhiên khi thấy có đủ thứ tiếng Nhật, Anh, Pháp…thậm chí có cả tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Các quán ăn tập trung chủ yếu ở Discovery Bay, bước chân đến đây bạn thực sự sẽ bị choáng ngợp bởi số lượng những nhà hàng và quán ăn. Giá cả khỏi lo chỉ tương đương với giá ở chợ Bến Thành thôi và mở cửa từ sáng sớm đến tối khuya vẫn có quán mở cửa.


8, Những lưu ý khác:
- Giờ địa phương: GMT + 8 (sớm hơn giờ Việt Nam 1 giờ)
- Hồng Kông là thiên đường mua sắm thú vị, đặc biệt hấp dẫn nhất là hai dịp giảm giá vào tháng 5 và tháng 12 hàng năm. Tuy nhiên bạn hãy lựa chọn một khu nhất định, vì bạn sẽ không bao giờ đi hết những khu shopping ở Hông Kông. 
- Kể cả khi mua đồ trong các cửa hàng lớn, đặc biệt là đồ điện tử, bạn cũng nên thử trả giá. Nếu thanh toán bằng tiền mặt có thể sẽ được bớt chút ít so với thanh toán bằng thẻ tín dụng. Khi mua hàng nên đổi USD ra tiền địa phương nhưng không nên đổi quá nhiều
-Tỉ giá tương đương khoảng: 1 HKD ~ 2700-2800 VND; 1 USD ~ 7,5-7,6 HKD.